Mười nguyên lí để tăng khả năng công bố bài báo khoa học
Công bố các bài báo/ bài nghiên cứu trên các tạp chí khoa học là một trong những yêu cầu thiết yếu mà nhà nghiên cứu cần đáp ứng. Ở các trung tâm nghiên cứu nổi tiếng, nghiên cứu sinh (NCS) cần xuất bản các nghiên cứu của mình và đây cũng là tiêu chuẩn để họ có thể hoàn thành khóa học.
Tuy vậy, việc xuất bản thành công một bài báo không phải là một nhiệm vụ dễ dàng đối với các nhà nghiên cứu Việt Nam- và đặc biệt là các NCS đang theo đuổi bậc học Tiến sỹ.
FA4Vietnam xin giới thiệu nguyên văn bài viết của Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn liên quan đến khả năng công bố một bài báo khoa học. Tác giả của bài viết là học giả hàng đầu với nhiều bài báo khoa học trên các tạp chí uy tín (như Nature, Lancet, New England Journal of Medicine...).
Trân trọng.
------------------------------------------------------------------
Mười nguyên lí để tăng khả năng công bố bài báo khoa học
Đây là một chương mới trong cuốn sách "Từ nghiên cứu đến công bố" của tôi, đang tái bản và sắp "trình làng" nay mai. Nhân lần tái bản này, tôi muốn chia sẻ cùng các bạn 10 nguyên lí để nâng cao khả năng bài báo khoa học được chấp nhận cho công bố.
Phải nói ngay rằng không có một qui định hay một công thức nào để đảm bảo bài báo khoa học được công bố trên một tập san quốc tế. Tùy theo tập san, xác suất công bố bài báo khoa học có khi chỉ là một sự may mắn. Cùng một công trình và cùng một đề tài, nhưng có công trình được đăng, còn công trình khác thì đành xếp trong ngăn tủ. Tuy nhiên, nếu chúng ta chuẩn bị tốt thì xác suất được công bố vẫn cao hơn là không chuẩn bị. “Chuẩn bị” ở đây có nghĩa là tuân thủ theo một số chỉ dẫn mà những người đi trước hay từng phục vụ trong các ban biên tập vạch ra. Trong thực tế, đã có nhiều bài báo trên các tập san chỉ dẫn cách thức tăng cơ may cho công trình được công bố trên tập san khoa học. Thay vì làm theo kiểu bài bản đó, ở đây tôi chỉ muốn chia sẻ vài kinh nghiệm cá nhân sắp xếp theo 10 nguyên lí trong bài "Ten principles to improve the likelihood of publication of a scientific manuscript" của J. M. Provenzale đăng trên AJR 2007 (1).
Nguyên lí 1: Cấu trúc bài báo một cách logic
Bài báo khoa học, nhất là trong y học, thường được cấu trúc theo công thức IMRAD (introduction - dẫn nhập, methods - phương pháp, results - kết quả, và discussion - bàn luận). Tuy nhiên cũng có vài tập san có cấu trúc khác với cấu trúc trên, với phần dẫn nhập đến kết quả và bàn luận, còn phần phương pháp thì để sau cùng. Do đó, cần phải xem xét đến qui định của tập san để cấu trúc bài báo cho thích hợp. Nhưng dù là cấu trúc nào, thì tất cả những dữ liệu trong mỗi phần phải được trình bày một cách logic và mang tính liên tục. Nếu phần dẫn nhập đề cập đến 3 mục đích, thì phần phương pháp phải mô tả cách giải quyết 3 mục đích đó ra sao, phần kết quả phải trình bày kết quả cho từng mục đích, và phần bàn luận cũng phải bám sát với 3 mục đích đó.
Nói thì tương đối dễ, nhưng khi bắt đầu viết thì không dễ chút nào, bởi vì một nghiên cứu có rất nhiều dữ liệu, mà trình bày dữ liệu nào để biện minh cho lí giải của mình là một quyết định không dễ dàng. Một qui ước đơn giản là phần kết quả phải ăn khớp với phần phương pháp. Chẳng hạn như nếu phần phương pháp đề cập đến đo đường trong máu, mà phần kết quả không nói gì đến chỉ số sinh hóa này thì đó là điều không chấp nhận được. Do đó, cấu trúc bài báo và dữ liệu trong bài báo đóng vai trò quan trọng số 1 để tăng khả năng bài báo được chấp nhận cho công bố.
Nguyên lí 2: Phát biểu câu hỏi nghiên cứu và lí do nghiên cứu cho rõ ràng
Phần dẫn nhập cần phải trả lời cho được 3 câu hỏi: câu hỏi chung, câu hỏi chuyên biệt, và nghiên cứu này có xứng đáng không?
Một phát biểu về câu hỏi nghiên cứu hay giả thuyết trong phần dẫn nhập rất quan trọng cho người bình duyệt bài báo hiểu được ý định của tác giả là gì và nghiên cứu này nằm ở đâu trong bức tranh tổng thể của chuyên ngành. Cần phải viết bằng cụ thể và đơn giản (không mĩ từ) như "We set out to determine whether condition x produces condition y" để người đọc có thể hiểu dễ dàng. Một phát biểu không rõ ràng, kiểu như "fishing expedition" hay "look-and-see approach" rất “nguy hiểm” vì dễ bị từ chối ngay từ đầu, vì nó cho thấy tác giả không định vị được nghiên cứu của mình nằm ở đâu. Người đọc, cũng như các chuyên gia bình duyệt, thường đặt câu hỏi như tại sao họ làm nghiên cứu này, có câu hỏi nào chưa được trả lời hay không, câu hỏi có đủ tầm quan trọng để mình quan tâm, v.v. Nhưng nếu viết chung chung và không trực tiếp đi vào vấn đề thì rất dễ làm cho chuyên gia bình duyệt bác bỏ bài báo.
Một yếu tố phổ biến trong các lí do từ chối bài báo là tác giả không thuyết phục được tầm quan trọng của nghiên cứu. Ngoài câu hỏi cụ thể mà công trình nghiên cứu muốn trả lời, tác giả cần phải lí giải tầm quan trọng của nghiên cứu, và giúp cho người đọc cũng như người bình duyệt nhận thức được vấn đề và đặt vào bối cảnh của họ. Cách thức để nêu tầm quan trọng là chứng minh rằng vấn đề phổ biến (hay tương đối phổ biến), hệ quả nghiêm trọng về kinh tế và y tế, có ảnh hưởng đến thực hành lâm sàng, v.v.
Nguyên lí 3: Giải thích phương pháp và dữ liệu một cách có hệ thống
Một trong những lí do phổ biến mà chuyên gia bình duyệt từ chối bài báo là họ không hiểu đầy đủ công trình nghiên cứu đã được thực hiện ra sao. Vấn đề này thường do tác giả không mô tả đầy đủ qui trình làm thí nghiệm hay qui trình thu nhập dữ liệu, từ lúc đo lường, công cụ đo lường, đến phân tích dữ liệu, nếu không mô tả đầy đủ thì đồng nghiệp sẽ rất khó lặp lại nghiên cứu.
Một cách viết phần phương pháp là viết theo qui trình … nấu ăn. Qui trình nấu ăn đòi hỏi người thợ nấu phải chuẩn bị nồi niêu, nguyên liệu, gia vị, v.v. và sau đó là làm từng bước một theo một công thức đã được định trước. Tương tự, một nghiên cứu y khoa cũng cần phải mô tả như thế. Chẳng hạn như cách chọn bệnh nhân ra sao, tiêu chuẩn loại trừ và tiêu chuẩn chọn, qui trình theo dõi và xét nghiệm, phương pháp xét nghiệm, v.v. Phải mô tả sao cho người đọc có thể nắm lấy phương pháp và họ có thể lặp lại nghiên cứu - nếu muốn.
Viết phần phương pháp cho đạt là một điều khó khăn cho một tác giả. Điều này đúng vì đối với các công trình có sự hợp tác của nhiều chuyên gia từ nhiều chuyên ngành, thì không ai có thể viết cho thích hợp. Nếu viết quá chi tiết về một phương pháp nào đó (ví dụ như phương pháp xét nghiệm) thì có thể làm cho người đọc chuyên môn về laboratory medicine bắt bẽ, hay nếu viết quá chi tiết phần phân tích dữ liệu sẽ làm cho các người đọc nghi ngờ chắc công trình nghiên cứu có vấn đề. Nếu công trình nghiên cứu được thiết kế tốt thì không cần đến những phương pháp phân tích phức tạp. Do đó, cái khó là làm sao viết không quá sơ đẳng như sinh viên làm bài tập hay trả bài (kiểu như trình bày cả công thức ước tính cỡ mẫu!), nhưng cũng không viết quá chung chung vì sẽ làm cho người đọc nghĩ rằng tác giả chẳng hiểu vấn đề. Chỉ có người trong chuyên ngành có kinh nghiệm mới biết viết như thế nào là đủ. Trong vài trường hợp phức tạp, cách tốt nhất là trình bày một giãn đồ để người đọc dễ theo dõi.
Nguyên lí 4: Cấu trúc phần kết quả và phương pháp ăn khớp nhau
Kinh nghiệm của tôi cho thấy phần lớn những khiếm khuyết trong phần kết quả có thể nằm trong 3 nhóm sau đây: sắp xếp kết quả lộn xộn, trình bày không đầy đủ, kết quả không ăn khớp với phần phương pháp.Thứ nhất, có những bài báo mà kết quả được trình bày chẳng theo một thứ tự logic nào cả. Tình trạng này dẫn đến lẫn lộn cho người đọc, và họ sẽ rất dễ bỏ cuộc. Thông thường, các nghiên cứu y khoa thường bắt đầu phần kết quả với những thông tin về đối tượng nghiên cứu, sau đó là những kết quả chính, và cuối cùng là những kết quả mang tính củng cố cho phần kết quả chính. Phải có một bảng số liệu, một biểu đồ, hay một bức ảnh “ăn tiền” (còn gọi là money picture) để người đọc biết đó là điểm chính của bài báo.Thứ hai, có nhiều bài báo mà phần kết quả trình bày không đầy đủ. Không đầy đủ ở đây có nghĩa là tương quan với phần phương pháp. Chẳng hạn như có nghiên cứu viết trong phần phương pháp rằng họ đo lường tỉ trọng mỡ trong cơ thể bằng DXA, nhưng phần kết quả thì chỉ trình bày WHR. Điều này dễ làm cho người đọc nổi giận, vì nói theo người Việt chúng ta là treo đầu dê bán thịt chó. Lại có những bài báo mà tác giả không thấy trình bày kết quả mà họ đã tuyên bố là đã thu thập trong phần phương pháp. Đây là một đại kị, bởi vì nó gây một ấn tượng rằng tác giả có vẻ thiếu thành thật.Thứ ba, ngược lại trên, có những bài báo mà tác giả trình bày kết quả nhưng không thấy báo cáo trong phần phương pháp! Tôi từng đọc những bài báo tác giả trình bày những kết quả rất phức tạp, nhưng không biết dữ liệu xuất phát từ đâu! Rất nhiều bài báo trình bày kết quả phân tích thống kê nhưng không thấy mô tả trong phần phương pháp phân tích. Tình trạng này làm cho người đọc có cảm giác rằng tác giả chẳng có kế hoạch làm nghiên cứu, mà chỉ là một kiểu tra tấn dữ liệu (data torture) để có kết quả theo ý mình.
Kinh nghiệm cá nhân tôi cho thấy cách viết phần kết quả tốt là cấu trúc theo tiêu đề. Tiêu đề nên bám sát theo phần phương pháp. Cách cấu trúc này cho phép tác giả trình bày kết quả nghiên cứu theo một logic có trước có sau, và người đọc cũng dễ theo dõi. Thông thường một nghiên cứu phải có giả thuyết, và đoạn cuối cùng của phần kết quả nên có dữ liệu yểm trợ hay bác bỏ giả thuyết.
Nguyên lí 5: Viết phần bàn luận gọn và khúc chiết
Kinh nghiệm của tôi cho thấy phần bàn luận (discussion) là phần khó viết nhất. Đây là phần mà tác giả tóm tắt những phát hiện chính, giải thích tầm quan trọng của phát hiện, và chỉ ra những đóng góp vào tri thức cũng như định hướng cho tương lai. Để viết tốt phần bàn luận, tác giả phải tỏ ra am hiểu vấn đề, phải có một tầm nhìn lớn trong một “bức tranh” rộng. Một trong những khiếm khuyết tôi hay thấy là có tác giả viết quá dài (6-10 trang), rất dễ bị xem là nhiều chuyện. Nếu nghiên cứu có kết quả tốt với phương pháp tốt, thì tác giả không cần phải “lí sự” quá nhiều. Ngược lại, có những bài báo mà đọc xong phần bàn luận tôi có cảm giác tác giả chẳng có ý tưởng gì, tất cả chỉ là lặp lại những gì đã trình bày trong phần kết quả. Cả hai cách viết – quá dài và quá ngắn – đều là cách viết không tốt. Cách viết mà tôi đã thí nghiệm và thành công là cấu trúc 6 đoạn như sau:
Đoạn 1: tóm tắt lí do nghiên cứu, giả thuyết, và phát hiện chính.
Đoạn 2: so sánh kết quả với các nghiên cứu trước, và giải thích tại sao có sự khác biệt (hay giống nhau).
Đoạn 3: giải thích “cơ chế” của kết quả; nếu không biết hay không rõ cơ chế, thì đề xuất giả thuyết để giải thích. Đoạn này khó viết nhất.
Đoạn 4: viết về tầm quan trọng và ý nghĩa thực tiễn (nếu có) của kết quả nghiên cứu.
Đoạn 5: viết về những ưu điểm và khuyết điểm của nghiên cứu.
Đoạn 6: kết luận.
Nên nhớ rằng trong khi diễn giải kết quả nghiên cứu hay so sánh với các nghiên cứu trước, không được và không nên viết theo kiểu lí luận một chiều. Trong khoa học, bất cứ một kết quả nào cũng phải được giải thích bằng nhiều góc cạnh. Trong nhiều trường hợp, tác giả không ngần ngại nói thẳng rằng kết quả có thể là … ngẫu nhiên.
Nguyên lí 6: Giải thích tại sao kết quả nghiên cứu là quan trọng
Phần lớn các tập san khoa học, nhất là tập san có chỉ số ảnh hưởng cao, không thích công bố những công trình làng nhàng. Họ chỉ muốn công bố những công trình mà kết quả có tầm quan trọng, có ảnh hưởng đến chuyên ngành, có tác động đến chính sách công. Đối với các tập san lớn, họ không thiếu bài, họ chỉ thiếu bài tốt.
Do đó, tác giả cần phải nắm được “tâm lí” trên để viết phần bàn luận, nêu bật được tầm quan trọng của nghiên cứu. Nếu là nghiên cứu có liên quan đến một yếu tố nguy cơ tử vong, tác giả cần phải nêu được giả thuyết nếu can thiệp vào yếu tố này thì sẽ cứu được bao nhiêu người trên thế giới. Nếu nghiên cứu tìm ra được một cơ chế nào đó liên quan đến một bệnh, tác giả có thể giải thích rằng kết quả này mở ra một định hướng mới để theo đuổi. Nên nhớ có 3 loại nghiên cứu: me too (tức lặp lại những gì người khác đã làm và chẳng có gì mới), incremental knowledge (tức có tăng một chút về tri thức), và breakthrough (đột phá). Phải đặt xem nghiên cứu của mình nằm trong loại nào. Có lẽ phần lớn nghiên cứu thuộc vào nhóm incremental knowledge, và vì thế cần phải giải thích sự gia tăng về tri thức có tác động gì đến chuyên ngành và thực hành.
Một trong những mục tiêu của phần bàn luận là dồn người bình duyệt từ vị trí trung dung sang vị trí tích cực. Phần lớn các chuyên gia bình duyệt khi đọc bài báo họ bán tín bán nghi, hay ở vị trí trung dung. Nhưng tác giả muốn tăng khả năng bài báo được chấp nhận, nên cần phải thuyết phục (bằng dữ liệu) để họ chuyển sang vị trí tích cực, tức đứng về giả thuyết của tác giả. Để làm được việc này, tác giả cần phải lí giải được cái phạm vi câu hỏi mà nghiên cứu đã trả lời được, và đã đóng góp vào việc nâng cao tri thức cho chuyên ngành ra sao. Đây là “nhiệm vụ” của đoạn văn số 4 trong phần bàn luận mà tôi đã đề cập trên.
Nguyên lí 7: Tránh “nói quá” kết quả nghiên cứu
Một lỗi hay gặp ở những người mới viết bài báo khoa học là … tham vọng. Những người này thường phát biểu những kết luận “đao to búa lớn” không tương thích với kết quả nghiên cứu. Có lẽ họ quá hào hứng với kết quả đầu tay của mình, cũng có thể họ quen thói quen viết văn theo kiểu … nhà văn, tức là sáo ngữ. Khác với báo chí phổ thông, văn phong khoa học không có chỗ cho sáo ngữ, không có chỗ cho những phát biểu mà không có chứng cứ.
Một cách viết khiêm tốn là dùng những từ bổ nghĩa như probably, possibly, likely, hay ngay cả xác định cũng chỉ highly likely là đủ. Cách dùng từ như thế không phải là thiếu tự tin, mà cho người bình duyệt thấy tác giả là người có cân nhắc. Nên nhớ rằng trong khoa học, đặc biệt là y khoa, không có một cái gì là xác định. Do đó, nếu dùng văn phong xác định là tự chuốc lấy thất bại.
Nguyên lí 8: Giải thích những hạn chế của nghiên cứu
Khoa học thực nghiệm không bao giờ hoàn hảo. Bất cứ một nghiên cứu nào, dù được thiết kế cẩn thận đến cỡ nào, cũng đều có những hạn chế. Nhưng cũng có những thế mạnh. Do đó, tác giả cần phải ghi nhận những điểm yếu, những hạn chế của nghiên cứu. Ghi nhận một cách thành thật, chứ không phải qua loa. Ghi nhận những khiếm khuyết của nghiên cứu không phải là tín hiệu của sự yếu đuối; ngược lại, đó là cách mà tác giả nói cho người bình duyệt biết rằng tôi đã suy nghĩ cẩn thận và có cách trả lời những vấn đề tôi nêu. Ngoài việc nêu những hạn chế, tác giả cũng có thể viết về sự ảnh hưởng của những hạn chế đến kết quả nghiên cứu. Chẳng hạn như nếu số lượng đối tượng quá ít (có lẽ do bệnh hiếm) thì kết quả có thể không đáng tin cậy, và cần phải ghi nhận điều này.
Có một cách nêu những hạn chế nhưng lại là một cách … tự khoe mình! Đây là kiểu lí giải mang tính dựng nên một hình nộm, rồi đánh ngã hình nộm đó và xem như là một chiến tích! Chẳng hạn như trong một nghiên cứu về vitamin D, chúng tôi phải tìm ra một điểm yếu để nói, và cuối cùng chúng tôi nghĩ điểm yếu đó là chúng tôi chỉ phân tích được nồng độ D3 trong máu mà không đo lường được D2. Sau khi nêu sự hạn chế này, chúng tôi trình bày dữ liệu của các nghiên cứu trước cho thấy D2 thật ra chỉ chiếm 1-3% tổng số vitamin D, nên dù không đo được, thì kết quả cũng chẳng bị ảnh hưởng tiêu cực gì! Nhưng cách lí giải này cần phải cẩn thận, vì nếu không thì rất dễ bị cho là self-serving (giống như tự khen, tự sướng).
Nguyên lí 9: Viết về những kết quả ngoài dự kiến
Cũng như bất cứ một công trình nghiên cứu tốt nào cũng có hạn chế, nhiều nghiên cứu cũng cho ra những kết quả ngoài dự kiến. Đó là những kết quả không nhất quán với giả thuyết, những dữ liệu nằm ngoài phạm vi, những quan sát … lạ (nói theo cách nói của báo chí ngày nay). Khi những quan sát lạ này xảy ra, tác giả cần phải ghi nhận chúng và cung cấp một vài lời giải thích khả dĩ. Nếu không giải thích được thì phải thành thật thú nhận là … không biết. Trong khoa học, không biết một điều gì đó không phải là yếu kém, càng không phải là một tội lỗi. Trong vài trường hợp cá biệt, chính những kết quả lạ này lại dẫn đến những khám phá quan trọng. Do đó, tác giả không nên bỏ qua, mà phải ghi nhận và chú giải cẩn thận.
Nguyên lí 10: Tuân thủ theo đề nghị của các chuyên gia bình duyệt
Nhiều tác giả mất bình tĩnh khi đọc bản nhận xét của các chuyên gia bình duyệt. Họ xem các chuyên gia bình duyệt là những kẻ thiếu thiện chí, chỉ gây phiền phức, và cản bước tiến của họ. Nhưng trong thực tế, đại đa số các chuyên gia bình duyệt khá công tâm, họ không phải là người gây phiền phức; họ chỉ muốn làm người gác cổng tốt mà thôi. Dĩ nhiên, cũng có những chuyên gia bình duyệt trẻ con, tỏ thái độ nhỏ mọn, và có thành kiến, nhưng số này rất ít trong cộng đồng khoa học nghiêm chỉnh. (Tôi không nói ở Việt Nam, tôi nói cộng đồng khoa học quốc tế). Do đó, nếu tác giả nghĩ xấu về các chuyên gia bình duyệt thì chính họ đánh mất cơ hội để cải tiến bài báo của họ.
Các chuyên gia bình duyệt là một số nhỏ trong nhóm độc giả. Tuy số nhỏ, nhưng họ là những người có kinh nghiệm và uy tín, đủ để đánh giá một công trình khoa học. Nếu những thông tin trong bài báo làm cho họ lẫn lộn, thì chắc chắn các độc giả khác cũng lẫn lộn. Vì thế, không nên xem thường những nhận xét của các chuyên gia bình duyệt, mà phải đọc kĩ và trả lời họ một cách nghiêm túc. Kinh nghiệm tôi cho thấy sau khi trả lời và chỉnh sửa, bài báo thường tốt hơn.
Không gì bực bội hơn cho các chuyên gia bình duyệt (những người làm việc hoàn toàn tự nguyện, chẳng nhận đồng lương hay thù lao nào) khi những đề nghị của họ bị lờ đi. Phớt lờ những đề nghị của họ là một nguy hiểm, vì họ có thể đề nghị từ chối bài báo. Nếu tác giả không làm theo đề nghị của họ thì cũng phải lí giải cụ thể và lịch sự. Khoa học là môi trường bình đẳng, nếu tác giả bất đồng ý kiến với các chuyên gia bình duyệt thì cũng có thể nói thẳng, chứ không nên e ngại.
Nói tóm lại, viết và công bố một bài báo khoa học là một việc khó khăn, đòi hỏi một kế hoạch tốt, làm việc khó khăn và trong cô đơn. Nhưng nếu các bạn làm theo 10 nguyên lí tôi vừa trình bày, các bạn sẽ có một lợi thế lớn trong sự cạnh tranh công bố quốc tế. Những nguyên lí này cũng đáp ứng phần lớn những khiếm khuyết mà các chuyên gia hay thấy trong các bản thảo. Do đó, tuân thủ theo những nguyên lí trên cũng là một cách giảm thiểu những sai lầm trong quá trình soạn thảo bài báo, và nâng cao xác suất công bố công trình nghiên cứu.
Trích "Từ nghiên cứu đến công bố", tái bản lần thứ nhất (sẽ phát hành nay mai).
(1) Provenzale JM. Ten principles to improve the likelihood of publication of a scientific manuscript. AJR 2007;188:May.
Tuy vậy, việc xuất bản thành công một bài báo không phải là một nhiệm vụ dễ dàng đối với các nhà nghiên cứu Việt Nam- và đặc biệt là các NCS đang theo đuổi bậc học Tiến sỹ.
FA4Vietnam xin giới thiệu nguyên văn bài viết của Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn liên quan đến khả năng công bố một bài báo khoa học. Tác giả của bài viết là học giả hàng đầu với nhiều bài báo khoa học trên các tạp chí uy tín (như Nature, Lancet, New England Journal of Medicine...).
Trân trọng.
(Nguồn hình: Quora.com)
------------------------------------------------------------------
Mười nguyên lí để tăng khả năng công bố bài báo khoa học
Đây là một chương mới trong cuốn sách "Từ nghiên cứu đến công bố" của tôi, đang tái bản và sắp "trình làng" nay mai. Nhân lần tái bản này, tôi muốn chia sẻ cùng các bạn 10 nguyên lí để nâng cao khả năng bài báo khoa học được chấp nhận cho công bố.
Phải nói ngay rằng không có một qui định hay một công thức nào để đảm bảo bài báo khoa học được công bố trên một tập san quốc tế. Tùy theo tập san, xác suất công bố bài báo khoa học có khi chỉ là một sự may mắn. Cùng một công trình và cùng một đề tài, nhưng có công trình được đăng, còn công trình khác thì đành xếp trong ngăn tủ. Tuy nhiên, nếu chúng ta chuẩn bị tốt thì xác suất được công bố vẫn cao hơn là không chuẩn bị. “Chuẩn bị” ở đây có nghĩa là tuân thủ theo một số chỉ dẫn mà những người đi trước hay từng phục vụ trong các ban biên tập vạch ra. Trong thực tế, đã có nhiều bài báo trên các tập san chỉ dẫn cách thức tăng cơ may cho công trình được công bố trên tập san khoa học. Thay vì làm theo kiểu bài bản đó, ở đây tôi chỉ muốn chia sẻ vài kinh nghiệm cá nhân sắp xếp theo 10 nguyên lí trong bài "Ten principles to improve the likelihood of publication of a scientific manuscript" của J. M. Provenzale đăng trên AJR 2007 (1).
Nguyên lí 1: Cấu trúc bài báo một cách logic
Bài báo khoa học, nhất là trong y học, thường được cấu trúc theo công thức IMRAD (introduction - dẫn nhập, methods - phương pháp, results - kết quả, và discussion - bàn luận). Tuy nhiên cũng có vài tập san có cấu trúc khác với cấu trúc trên, với phần dẫn nhập đến kết quả và bàn luận, còn phần phương pháp thì để sau cùng. Do đó, cần phải xem xét đến qui định của tập san để cấu trúc bài báo cho thích hợp. Nhưng dù là cấu trúc nào, thì tất cả những dữ liệu trong mỗi phần phải được trình bày một cách logic và mang tính liên tục. Nếu phần dẫn nhập đề cập đến 3 mục đích, thì phần phương pháp phải mô tả cách giải quyết 3 mục đích đó ra sao, phần kết quả phải trình bày kết quả cho từng mục đích, và phần bàn luận cũng phải bám sát với 3 mục đích đó.
Nói thì tương đối dễ, nhưng khi bắt đầu viết thì không dễ chút nào, bởi vì một nghiên cứu có rất nhiều dữ liệu, mà trình bày dữ liệu nào để biện minh cho lí giải của mình là một quyết định không dễ dàng. Một qui ước đơn giản là phần kết quả phải ăn khớp với phần phương pháp. Chẳng hạn như nếu phần phương pháp đề cập đến đo đường trong máu, mà phần kết quả không nói gì đến chỉ số sinh hóa này thì đó là điều không chấp nhận được. Do đó, cấu trúc bài báo và dữ liệu trong bài báo đóng vai trò quan trọng số 1 để tăng khả năng bài báo được chấp nhận cho công bố.
Nguyên lí 2: Phát biểu câu hỏi nghiên cứu và lí do nghiên cứu cho rõ ràng
Phần dẫn nhập cần phải trả lời cho được 3 câu hỏi: câu hỏi chung, câu hỏi chuyên biệt, và nghiên cứu này có xứng đáng không?
Một phát biểu về câu hỏi nghiên cứu hay giả thuyết trong phần dẫn nhập rất quan trọng cho người bình duyệt bài báo hiểu được ý định của tác giả là gì và nghiên cứu này nằm ở đâu trong bức tranh tổng thể của chuyên ngành. Cần phải viết bằng cụ thể và đơn giản (không mĩ từ) như "We set out to determine whether condition x produces condition y" để người đọc có thể hiểu dễ dàng. Một phát biểu không rõ ràng, kiểu như "fishing expedition" hay "look-and-see approach" rất “nguy hiểm” vì dễ bị từ chối ngay từ đầu, vì nó cho thấy tác giả không định vị được nghiên cứu của mình nằm ở đâu. Người đọc, cũng như các chuyên gia bình duyệt, thường đặt câu hỏi như tại sao họ làm nghiên cứu này, có câu hỏi nào chưa được trả lời hay không, câu hỏi có đủ tầm quan trọng để mình quan tâm, v.v. Nhưng nếu viết chung chung và không trực tiếp đi vào vấn đề thì rất dễ làm cho chuyên gia bình duyệt bác bỏ bài báo.
Một yếu tố phổ biến trong các lí do từ chối bài báo là tác giả không thuyết phục được tầm quan trọng của nghiên cứu. Ngoài câu hỏi cụ thể mà công trình nghiên cứu muốn trả lời, tác giả cần phải lí giải tầm quan trọng của nghiên cứu, và giúp cho người đọc cũng như người bình duyệt nhận thức được vấn đề và đặt vào bối cảnh của họ. Cách thức để nêu tầm quan trọng là chứng minh rằng vấn đề phổ biến (hay tương đối phổ biến), hệ quả nghiêm trọng về kinh tế và y tế, có ảnh hưởng đến thực hành lâm sàng, v.v.
Nguyên lí 3: Giải thích phương pháp và dữ liệu một cách có hệ thống
Một trong những lí do phổ biến mà chuyên gia bình duyệt từ chối bài báo là họ không hiểu đầy đủ công trình nghiên cứu đã được thực hiện ra sao. Vấn đề này thường do tác giả không mô tả đầy đủ qui trình làm thí nghiệm hay qui trình thu nhập dữ liệu, từ lúc đo lường, công cụ đo lường, đến phân tích dữ liệu, nếu không mô tả đầy đủ thì đồng nghiệp sẽ rất khó lặp lại nghiên cứu.
Một cách viết phần phương pháp là viết theo qui trình … nấu ăn. Qui trình nấu ăn đòi hỏi người thợ nấu phải chuẩn bị nồi niêu, nguyên liệu, gia vị, v.v. và sau đó là làm từng bước một theo một công thức đã được định trước. Tương tự, một nghiên cứu y khoa cũng cần phải mô tả như thế. Chẳng hạn như cách chọn bệnh nhân ra sao, tiêu chuẩn loại trừ và tiêu chuẩn chọn, qui trình theo dõi và xét nghiệm, phương pháp xét nghiệm, v.v. Phải mô tả sao cho người đọc có thể nắm lấy phương pháp và họ có thể lặp lại nghiên cứu - nếu muốn.
Viết phần phương pháp cho đạt là một điều khó khăn cho một tác giả. Điều này đúng vì đối với các công trình có sự hợp tác của nhiều chuyên gia từ nhiều chuyên ngành, thì không ai có thể viết cho thích hợp. Nếu viết quá chi tiết về một phương pháp nào đó (ví dụ như phương pháp xét nghiệm) thì có thể làm cho người đọc chuyên môn về laboratory medicine bắt bẽ, hay nếu viết quá chi tiết phần phân tích dữ liệu sẽ làm cho các người đọc nghi ngờ chắc công trình nghiên cứu có vấn đề. Nếu công trình nghiên cứu được thiết kế tốt thì không cần đến những phương pháp phân tích phức tạp. Do đó, cái khó là làm sao viết không quá sơ đẳng như sinh viên làm bài tập hay trả bài (kiểu như trình bày cả công thức ước tính cỡ mẫu!), nhưng cũng không viết quá chung chung vì sẽ làm cho người đọc nghĩ rằng tác giả chẳng hiểu vấn đề. Chỉ có người trong chuyên ngành có kinh nghiệm mới biết viết như thế nào là đủ. Trong vài trường hợp phức tạp, cách tốt nhất là trình bày một giãn đồ để người đọc dễ theo dõi.
Nguyên lí 4: Cấu trúc phần kết quả và phương pháp ăn khớp nhau
Kinh nghiệm của tôi cho thấy phần lớn những khiếm khuyết trong phần kết quả có thể nằm trong 3 nhóm sau đây: sắp xếp kết quả lộn xộn, trình bày không đầy đủ, kết quả không ăn khớp với phần phương pháp.Thứ nhất, có những bài báo mà kết quả được trình bày chẳng theo một thứ tự logic nào cả. Tình trạng này dẫn đến lẫn lộn cho người đọc, và họ sẽ rất dễ bỏ cuộc. Thông thường, các nghiên cứu y khoa thường bắt đầu phần kết quả với những thông tin về đối tượng nghiên cứu, sau đó là những kết quả chính, và cuối cùng là những kết quả mang tính củng cố cho phần kết quả chính. Phải có một bảng số liệu, một biểu đồ, hay một bức ảnh “ăn tiền” (còn gọi là money picture) để người đọc biết đó là điểm chính của bài báo.Thứ hai, có nhiều bài báo mà phần kết quả trình bày không đầy đủ. Không đầy đủ ở đây có nghĩa là tương quan với phần phương pháp. Chẳng hạn như có nghiên cứu viết trong phần phương pháp rằng họ đo lường tỉ trọng mỡ trong cơ thể bằng DXA, nhưng phần kết quả thì chỉ trình bày WHR. Điều này dễ làm cho người đọc nổi giận, vì nói theo người Việt chúng ta là treo đầu dê bán thịt chó. Lại có những bài báo mà tác giả không thấy trình bày kết quả mà họ đã tuyên bố là đã thu thập trong phần phương pháp. Đây là một đại kị, bởi vì nó gây một ấn tượng rằng tác giả có vẻ thiếu thành thật.Thứ ba, ngược lại trên, có những bài báo mà tác giả trình bày kết quả nhưng không thấy báo cáo trong phần phương pháp! Tôi từng đọc những bài báo tác giả trình bày những kết quả rất phức tạp, nhưng không biết dữ liệu xuất phát từ đâu! Rất nhiều bài báo trình bày kết quả phân tích thống kê nhưng không thấy mô tả trong phần phương pháp phân tích. Tình trạng này làm cho người đọc có cảm giác rằng tác giả chẳng có kế hoạch làm nghiên cứu, mà chỉ là một kiểu tra tấn dữ liệu (data torture) để có kết quả theo ý mình.
Kinh nghiệm cá nhân tôi cho thấy cách viết phần kết quả tốt là cấu trúc theo tiêu đề. Tiêu đề nên bám sát theo phần phương pháp. Cách cấu trúc này cho phép tác giả trình bày kết quả nghiên cứu theo một logic có trước có sau, và người đọc cũng dễ theo dõi. Thông thường một nghiên cứu phải có giả thuyết, và đoạn cuối cùng của phần kết quả nên có dữ liệu yểm trợ hay bác bỏ giả thuyết.
Nguyên lí 5: Viết phần bàn luận gọn và khúc chiết
Kinh nghiệm của tôi cho thấy phần bàn luận (discussion) là phần khó viết nhất. Đây là phần mà tác giả tóm tắt những phát hiện chính, giải thích tầm quan trọng của phát hiện, và chỉ ra những đóng góp vào tri thức cũng như định hướng cho tương lai. Để viết tốt phần bàn luận, tác giả phải tỏ ra am hiểu vấn đề, phải có một tầm nhìn lớn trong một “bức tranh” rộng. Một trong những khiếm khuyết tôi hay thấy là có tác giả viết quá dài (6-10 trang), rất dễ bị xem là nhiều chuyện. Nếu nghiên cứu có kết quả tốt với phương pháp tốt, thì tác giả không cần phải “lí sự” quá nhiều. Ngược lại, có những bài báo mà đọc xong phần bàn luận tôi có cảm giác tác giả chẳng có ý tưởng gì, tất cả chỉ là lặp lại những gì đã trình bày trong phần kết quả. Cả hai cách viết – quá dài và quá ngắn – đều là cách viết không tốt. Cách viết mà tôi đã thí nghiệm và thành công là cấu trúc 6 đoạn như sau:
Đoạn 1: tóm tắt lí do nghiên cứu, giả thuyết, và phát hiện chính.
Đoạn 2: so sánh kết quả với các nghiên cứu trước, và giải thích tại sao có sự khác biệt (hay giống nhau).
Đoạn 3: giải thích “cơ chế” của kết quả; nếu không biết hay không rõ cơ chế, thì đề xuất giả thuyết để giải thích. Đoạn này khó viết nhất.
Đoạn 4: viết về tầm quan trọng và ý nghĩa thực tiễn (nếu có) của kết quả nghiên cứu.
Đoạn 5: viết về những ưu điểm và khuyết điểm của nghiên cứu.
Đoạn 6: kết luận.
Nên nhớ rằng trong khi diễn giải kết quả nghiên cứu hay so sánh với các nghiên cứu trước, không được và không nên viết theo kiểu lí luận một chiều. Trong khoa học, bất cứ một kết quả nào cũng phải được giải thích bằng nhiều góc cạnh. Trong nhiều trường hợp, tác giả không ngần ngại nói thẳng rằng kết quả có thể là … ngẫu nhiên.
Nguyên lí 6: Giải thích tại sao kết quả nghiên cứu là quan trọng
Phần lớn các tập san khoa học, nhất là tập san có chỉ số ảnh hưởng cao, không thích công bố những công trình làng nhàng. Họ chỉ muốn công bố những công trình mà kết quả có tầm quan trọng, có ảnh hưởng đến chuyên ngành, có tác động đến chính sách công. Đối với các tập san lớn, họ không thiếu bài, họ chỉ thiếu bài tốt.
Do đó, tác giả cần phải nắm được “tâm lí” trên để viết phần bàn luận, nêu bật được tầm quan trọng của nghiên cứu. Nếu là nghiên cứu có liên quan đến một yếu tố nguy cơ tử vong, tác giả cần phải nêu được giả thuyết nếu can thiệp vào yếu tố này thì sẽ cứu được bao nhiêu người trên thế giới. Nếu nghiên cứu tìm ra được một cơ chế nào đó liên quan đến một bệnh, tác giả có thể giải thích rằng kết quả này mở ra một định hướng mới để theo đuổi. Nên nhớ có 3 loại nghiên cứu: me too (tức lặp lại những gì người khác đã làm và chẳng có gì mới), incremental knowledge (tức có tăng một chút về tri thức), và breakthrough (đột phá). Phải đặt xem nghiên cứu của mình nằm trong loại nào. Có lẽ phần lớn nghiên cứu thuộc vào nhóm incremental knowledge, và vì thế cần phải giải thích sự gia tăng về tri thức có tác động gì đến chuyên ngành và thực hành.
Một trong những mục tiêu của phần bàn luận là dồn người bình duyệt từ vị trí trung dung sang vị trí tích cực. Phần lớn các chuyên gia bình duyệt khi đọc bài báo họ bán tín bán nghi, hay ở vị trí trung dung. Nhưng tác giả muốn tăng khả năng bài báo được chấp nhận, nên cần phải thuyết phục (bằng dữ liệu) để họ chuyển sang vị trí tích cực, tức đứng về giả thuyết của tác giả. Để làm được việc này, tác giả cần phải lí giải được cái phạm vi câu hỏi mà nghiên cứu đã trả lời được, và đã đóng góp vào việc nâng cao tri thức cho chuyên ngành ra sao. Đây là “nhiệm vụ” của đoạn văn số 4 trong phần bàn luận mà tôi đã đề cập trên.
Nguyên lí 7: Tránh “nói quá” kết quả nghiên cứu
Một lỗi hay gặp ở những người mới viết bài báo khoa học là … tham vọng. Những người này thường phát biểu những kết luận “đao to búa lớn” không tương thích với kết quả nghiên cứu. Có lẽ họ quá hào hứng với kết quả đầu tay của mình, cũng có thể họ quen thói quen viết văn theo kiểu … nhà văn, tức là sáo ngữ. Khác với báo chí phổ thông, văn phong khoa học không có chỗ cho sáo ngữ, không có chỗ cho những phát biểu mà không có chứng cứ.
Một cách viết khiêm tốn là dùng những từ bổ nghĩa như probably, possibly, likely, hay ngay cả xác định cũng chỉ highly likely là đủ. Cách dùng từ như thế không phải là thiếu tự tin, mà cho người bình duyệt thấy tác giả là người có cân nhắc. Nên nhớ rằng trong khoa học, đặc biệt là y khoa, không có một cái gì là xác định. Do đó, nếu dùng văn phong xác định là tự chuốc lấy thất bại.
Nguyên lí 8: Giải thích những hạn chế của nghiên cứu
Khoa học thực nghiệm không bao giờ hoàn hảo. Bất cứ một nghiên cứu nào, dù được thiết kế cẩn thận đến cỡ nào, cũng đều có những hạn chế. Nhưng cũng có những thế mạnh. Do đó, tác giả cần phải ghi nhận những điểm yếu, những hạn chế của nghiên cứu. Ghi nhận một cách thành thật, chứ không phải qua loa. Ghi nhận những khiếm khuyết của nghiên cứu không phải là tín hiệu của sự yếu đuối; ngược lại, đó là cách mà tác giả nói cho người bình duyệt biết rằng tôi đã suy nghĩ cẩn thận và có cách trả lời những vấn đề tôi nêu. Ngoài việc nêu những hạn chế, tác giả cũng có thể viết về sự ảnh hưởng của những hạn chế đến kết quả nghiên cứu. Chẳng hạn như nếu số lượng đối tượng quá ít (có lẽ do bệnh hiếm) thì kết quả có thể không đáng tin cậy, và cần phải ghi nhận điều này.
Có một cách nêu những hạn chế nhưng lại là một cách … tự khoe mình! Đây là kiểu lí giải mang tính dựng nên một hình nộm, rồi đánh ngã hình nộm đó và xem như là một chiến tích! Chẳng hạn như trong một nghiên cứu về vitamin D, chúng tôi phải tìm ra một điểm yếu để nói, và cuối cùng chúng tôi nghĩ điểm yếu đó là chúng tôi chỉ phân tích được nồng độ D3 trong máu mà không đo lường được D2. Sau khi nêu sự hạn chế này, chúng tôi trình bày dữ liệu của các nghiên cứu trước cho thấy D2 thật ra chỉ chiếm 1-3% tổng số vitamin D, nên dù không đo được, thì kết quả cũng chẳng bị ảnh hưởng tiêu cực gì! Nhưng cách lí giải này cần phải cẩn thận, vì nếu không thì rất dễ bị cho là self-serving (giống như tự khen, tự sướng).
Nguyên lí 9: Viết về những kết quả ngoài dự kiến
Cũng như bất cứ một công trình nghiên cứu tốt nào cũng có hạn chế, nhiều nghiên cứu cũng cho ra những kết quả ngoài dự kiến. Đó là những kết quả không nhất quán với giả thuyết, những dữ liệu nằm ngoài phạm vi, những quan sát … lạ (nói theo cách nói của báo chí ngày nay). Khi những quan sát lạ này xảy ra, tác giả cần phải ghi nhận chúng và cung cấp một vài lời giải thích khả dĩ. Nếu không giải thích được thì phải thành thật thú nhận là … không biết. Trong khoa học, không biết một điều gì đó không phải là yếu kém, càng không phải là một tội lỗi. Trong vài trường hợp cá biệt, chính những kết quả lạ này lại dẫn đến những khám phá quan trọng. Do đó, tác giả không nên bỏ qua, mà phải ghi nhận và chú giải cẩn thận.
Nguyên lí 10: Tuân thủ theo đề nghị của các chuyên gia bình duyệt
Nhiều tác giả mất bình tĩnh khi đọc bản nhận xét của các chuyên gia bình duyệt. Họ xem các chuyên gia bình duyệt là những kẻ thiếu thiện chí, chỉ gây phiền phức, và cản bước tiến của họ. Nhưng trong thực tế, đại đa số các chuyên gia bình duyệt khá công tâm, họ không phải là người gây phiền phức; họ chỉ muốn làm người gác cổng tốt mà thôi. Dĩ nhiên, cũng có những chuyên gia bình duyệt trẻ con, tỏ thái độ nhỏ mọn, và có thành kiến, nhưng số này rất ít trong cộng đồng khoa học nghiêm chỉnh. (Tôi không nói ở Việt Nam, tôi nói cộng đồng khoa học quốc tế). Do đó, nếu tác giả nghĩ xấu về các chuyên gia bình duyệt thì chính họ đánh mất cơ hội để cải tiến bài báo của họ.
Các chuyên gia bình duyệt là một số nhỏ trong nhóm độc giả. Tuy số nhỏ, nhưng họ là những người có kinh nghiệm và uy tín, đủ để đánh giá một công trình khoa học. Nếu những thông tin trong bài báo làm cho họ lẫn lộn, thì chắc chắn các độc giả khác cũng lẫn lộn. Vì thế, không nên xem thường những nhận xét của các chuyên gia bình duyệt, mà phải đọc kĩ và trả lời họ một cách nghiêm túc. Kinh nghiệm tôi cho thấy sau khi trả lời và chỉnh sửa, bài báo thường tốt hơn.
Không gì bực bội hơn cho các chuyên gia bình duyệt (những người làm việc hoàn toàn tự nguyện, chẳng nhận đồng lương hay thù lao nào) khi những đề nghị của họ bị lờ đi. Phớt lờ những đề nghị của họ là một nguy hiểm, vì họ có thể đề nghị từ chối bài báo. Nếu tác giả không làm theo đề nghị của họ thì cũng phải lí giải cụ thể và lịch sự. Khoa học là môi trường bình đẳng, nếu tác giả bất đồng ý kiến với các chuyên gia bình duyệt thì cũng có thể nói thẳng, chứ không nên e ngại.
Nói tóm lại, viết và công bố một bài báo khoa học là một việc khó khăn, đòi hỏi một kế hoạch tốt, làm việc khó khăn và trong cô đơn. Nhưng nếu các bạn làm theo 10 nguyên lí tôi vừa trình bày, các bạn sẽ có một lợi thế lớn trong sự cạnh tranh công bố quốc tế. Những nguyên lí này cũng đáp ứng phần lớn những khiếm khuyết mà các chuyên gia hay thấy trong các bản thảo. Do đó, tuân thủ theo những nguyên lí trên cũng là một cách giảm thiểu những sai lầm trong quá trình soạn thảo bài báo, và nâng cao xác suất công bố công trình nghiên cứu.
Trích "Từ nghiên cứu đến công bố", tái bản lần thứ nhất (sẽ phát hành nay mai).
(1) Provenzale JM. Ten principles to improve the likelihood of publication of a scientific manuscript. AJR 2007;188:May.
(Link bài báo gốc: http://tuanvannguyen.blogspot.com.au/2013/07/muoi-nguyen-li-e-tang-kha-nang-cong-bo.html)
Comments
Post a Comment