Volatility- Hai cách tiếp cận trong dự báo

Như các bạn đã biết, một trong những biến số đóng vai trò quan trọng đối với các nhà đầu tư trong việc định giá một tài sản tài chính chính là mức độ biến động “Volatility” của tài sản. Để dự báo giá trị “Volatility” hiện nay có hai cách tiếp cận chính: (1) sử dụng dữ liệu giá trong lịch sử để dự báo, với phương pháp này chúng ta có cái được gọi là “statistical volatility” nói cách khác là dùng các kỹ thuật thống kê để dự báo volitility; (2) sử dụng những thông tin “ẩn chứa – implied” trong giá của các công cụ tài chính phái sinh (derivatives) trên thị trường như Quyền chọn, Hợp đồng tương lại… để xác định volatility, chính vì vậy chúng ta có cái gọi là “Implied volitility”.

Đối với Statistical Volatility, cách tiếp cận này có ưu điểm là dễ tính toán, các học giả, các nhà đầu tư thường sử dụng các mô hình đa nhân tố, công cụ hồi quy trong thống kê suy diễn để xây dựng các mô hình nhằm dự báo Statistical Volatility. Nói cách khác, phương pháp này có ưu điểm là dễ tính toán. Tuy nhiên cái khó khăn lớn của phương pháp này chính là số lượng dữ liệu lịch sử. Một trong những hạn chế của cách tiếp cận này đó là một số học giả ủng hộ giả thuyết EMH (thị trường hiệu quả), với giả thuyết này sự biến động về giá là ngẫu nhiên và không thể xác định, các biến số thị trường trong các giai đoạn được cho là không có tương quan. Như vậy việc sử dụng các mẫu hình vận động trong quá khứ để dự báo cho tương lai được cho là không phù hợp. Một trong các công cụ phổ biến trong cách tiếp cận này là GARCH (1,1). Ưu điểm của GARCH (1,1) so với các phương pháp hồi quy thông thường để dự báo volatility chính là phương pháp này không ràng buộc chặt chẽ các điều kiện của phần dư (error/residual). Đối với phương pháp OLS, phần dư phải có phương sai không đổi và các phần dư không có tương quan qua các thời điểm, đây là một điều khó tránh trong các bài toán tài chính.

Cách tiếp cận thứ hai như đề cập bên trên là “Implied Volatility” phương pháp này sử dụng các thông tin trong giá cả thị trường của các Quyền chọn, Hợp đồng tương lai, … kết hợp với các mô hình định giá như của Black and Scholes (1973), mô hình một nhân tố của Heston (1993), Hull and White (1987) hoặc mô hình hai nhân tố của Christoffersen, Heston, and Jacobs (2009). Trong bài viết này tôi không đi quá sau vào ưu nhược điểm của từng mô hình đề cập ở đây. Ưu điểm của Implied Volatility so với Statistical Volatility chính là sử dụng thông tin thị trường trong tương lai (giá của các Hợp đồng kỳ hạn, Hợp đồng tương lai, Quyền chọn, …) để dự báo cho volatility trong tương lai. Vấn đề khó khăn của phương pháp này chính là tính sẵn có về thông tin giá cả của các tài sản tài chính phái sinh này.
Hiện nay, việc áp dụng phương pháp nào để dự báo volatility theo tôi nghĩ tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của từng thị trường. Một số thị trường tài chính phát triển, các công cụ luật pháp, kỹ thuật để kiểm soát tính minh bạch của thị trường tương đối tốt. Nói cách khác giả thuyết về EMH là tương đối được chấp nhận ở các thị trường này. Ngoài ra, các thông tin giá cả của các công cụ tài chính phái sinh đề cập là sẵn có, thiết nghĩ việc áp dụng Implied volatility là phù hợp. Tuy nhiên, với các thị trường mới nổi, tính mình bạch, hệ thống pháp luật, kỹ thuật,… trên thị trường chưa tốt, giả thuyết EMH thường bị bác bỏ. Bên cạnh đó, thông tin về giá cả của các công cụ tài chính phái sinh là không sẵn có. Vì vậy, tôi nghĩ hướng tiếp cận Statistical Volatility, tiêu biểu là GARCH (1,1) vẫn là một công cụ khả thi trong tình huống này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
Black, F., & Scholes, M. (1973). The pricing of options and corporate liabilities. Journal of political economy, 81(3), 637-654.
Christoffersen, P., Heston, S., & Jacobs, K. (2009). The shape and term structure of the index option smirk: Why multifactor stochastic volatility models work so well. Management Science, 55(12), 1914-1932.
Heston, S. L. (1993). A closed-form solution for options with stochastic volatility with applications to bond and currency options. Review of financial studies, 6(2), 327-343.

Hull, J., & White, A. (1987). The pricing of options on assets with stochastic volatilities. The Journal of Finance, 42(2), 281-300.

Comments